Việt Nam siết quảng cáo trên Facebook, YouTube
Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ được xem là cơ sở pháp lý để quy định cụ thể trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt quảng cáo trước khi phát hành, xử lý vi phạm về nội dung cũng như các chế tài ngăn chặn và xử phạt.
Hoạt động quảng cáo trên Facebook được quản lý chặt hơn từ ngày 15/9
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, trong đó, bổ sung một số quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Trước đây, Nghị định 181/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, thiếu chế tài xử lý vi phạm, các hình phạt chưa đủ sức răn đe và chưa thể hiện hết quyền lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với Nghị định 70/2021/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý quảng cáo xuyên biên giới sẽ tập trung về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghị định 70/2021/NĐ-CP được xem là cơ sở pháp lý để quy định cụ thể trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành, xử lý vi phạm về nội dung cũng như các chế tài ngăn chặn và phạt. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9.
Theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Nghị định quy định, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo, địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam hoặc đầu mối liên hệ gồm tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, địa chỉ email, điện thoại liên hệ. Việc thông báo phải thực hiện 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Việc xử lý quảng cáo vi phạm được thực hiện sau 24 giờ từ khi nhận yêu cầu từ Bộ
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Về việc xử lý vi phạm, sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 5 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Thông tin về các quảng cáo vi phạm được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
Sau thời hạn này, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Còn trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn.
Theo BizLive