Tổ chức và người làm truyền thông muốn tổ chức họp báo thì cần lưu ý gì? Các quy định cần biết

Gần đây, câu chuyện về một cuộc tranh cãi giữa một Vlogger và một bác sĩ về điều trị hiếm muộn nhận được nhiều sự quan tâm bởi các luồng thông tin trái chiều.  

Các quy định cần biết khi tổ chức họp báo

Cụ thể, Vlogger cáo buộc bác sĩ không chuyên nghiệp trong quá trình điều trị, trong khi bác sĩ phản hồi rằng Vlogger thiếu kiến thức và muốn dịch vụ miễn phí. Sau đó, Vlogger đã tổ chức một buổi họp báo ngay sau đó để giải thích về tranh cãi xoay quanh liệu pháp sinh sản của cô. 

Về bản chất, họp báo là một hoạt động thông tin công khai, được tổ chức bởi các cơ quan chính phủ, tổ chức hay cá nhân để thông báo hoặc giải đáp các thông tin, sự kiện, chính sách hay quyết định mới nhất đến báo chí và công chúng. Mục đích của họp báo là giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan chính phủ và cá nhân trong việc quản lý thông tin và truyền thông. 

Tuy nhiên, việc tổ chức họp báo cũng cần tuân thủ quy định trong Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn liên quan. Để giải đáp những thắc mắc xoay quanh về việc tổ chức họp báo, cùng Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco - tìm hiểu qua những thông tin dưới đây. 

Tổ chức họp báo trong trường hợp này có đúng luật? 

Theo Luật sư Hà Huy Phong, Khoản 1 Điều 41 Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.” 

Do đó, nếu Vlogger có quốc tịch Việt Nam thì cô có quyền tổ chức họp báo để tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung liên quan đến quyền lợi của mình trong vụ tranh cãi với bác sĩ T. Còn nếu Vlogger không có quốc tịch Việt Nam thì theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, cô không có quyền tổ chức họp báo tại Việt Nam.

Các quy định cần biết khi tổ chức họp báo

Họp báo (press conference) là một hoạt động thông tin công khai, được tổ chức bởi các cơ quan chính phủ, tổ chức hay cá nhân để thông báo hoặc giải đáp các thông tin, sự kiện, chính sách hay quyết định mới nhất đến báo chí và công chúng

Vì vậy, xét về mặt pháp lý, tổ chức họp báo là quyền của công dân được pháp luật bảo vệ. Việc công dân tổ chức họp báo để cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc với công chúng, tránh lan truyền những tin đồn thất thiệt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, khi quyết định mở họp báo, cần xem xét đến mức độ, phạm vi ảnh hưởng của vụ việc với công chúng. Nếu như vụ việc chỉ là mâu thuẫn giữa hai cá nhân không phải người của công chúng, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công chúng thì việc tổ chức họp báo có thể khiến nhiều người cảm thấy người trong cuộc cố ý làm to chuyện để thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người, từ đó gây mất thiện cảm của công chúng. 

Trong trường hợp tổ chức họp báo mà Vlogger lạm dụng quyền tự do ngôn luận để tạo ra sự chú ý và gây tổn hại đến uy tín của bác sĩ T, cô sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi phát tán tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân khác có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Do đó, nếu những thông tin cung cấp là không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ thì Vlogger có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu như không thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý, một bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và không thể giải quyết thông qua thỏa thuận thì có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cá nhân muốn tổ chức họp báo cần tuân thủ điều gì?

Để việc tổ chức họp báo là hợp pháp thì người tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho UBND cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo. Nội dung thông báo gồm: (i) địa điểm họp báo; (ii) thời gian họp báo; (iii) nội dung họp báo; (iv) người chủ trì họp báo. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời về việc tổ chức họp báo trước thời điểm dự định họp báo. Trường hợp không có văn bản trả lời, công dân được tiến hành họp báo. 

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được UBND cấp tỉnh trả lời chấp thuận; trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với UBND cấp tỉnh.

Các quy định cần biết khi tổ chức họp báo

Mục đích của họp báo là giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan chính phủ và cá nhân trong việc quản lý thông tin và truyền thông

Tuy nhiên, nếu tổ chức họp báo một cách thiếu chuyên nghiệp và không tuân thủ các quy định liên quan, người tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Luật sư Hà Huy Phong cho biết, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được UBND cấp tỉnh trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với UBND cấp tỉnh có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong trường hợp buổi họp báo gây ảnh hưởng đến hình ảnh và danh dự của người khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLDS 2015, “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”, người bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin đó và yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, trong trường hợp tương tự, các cá nhân khi tổ chức họp báo cần lưu ý những điều sau:

  • Cân nhắc bối cảnh liên quan để quyết định xem có nên tổ chức họp báo hay không.

  • Lên kế hoạch về buổi họp báo: địa điểm, thời gian tổ chức, nội dung buổi họp báo...

  • Thông báo đến UBND cấp tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

  • Tiến hành buổi họp báo theo đúng nội dung đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Tóm lại, để đảm bảo việc họp báo đúng quy định, các tổ chức và cá nhân cần đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin được công bố trong họp báo, tránh thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm cho công chúng. Họp báo cũng cần được tổ chức theo kế hoạch và đúng thời gian, địa điểm đã thông báo trước đó để giúp các phóng viên và truyền thông chuẩn bị và tham gia đầy đủ. Cuối cùng, các tổ chức, và cá nhân cần hợp tác với các phóng viên và truyền thông, giúp họ có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất để phục vụ công chúng một cách tốt nhất.

Đọc bài viết gốc Tại đây

 

Trang chủ Trang chủ
Hotline Hotline
Quote Quote
Chat zalo Chat zalo
Messenger Messenger