Ngày đăng: 17-03-2025
Ngày 14-3, tỉnh An Giang tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin về kế hoạch tổ chức các sự kiện nhân dịp đón bằng công nhận của UNESCO, ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, sự kiện cũng đánh dấu lễ khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025.
Chủ trì họp báo gồm bà Trần Thị Thanh Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy An Giang, ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy Châu Đốc, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Theo kế hoạch, lễ đón bằng công nhận UNESCO và khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025 sẽ diễn ra với quy mô hoành tráng, thu hút khoảng 2.000 đại biểu từ trung ương và địa phương. Sự kiện chính thức bắt đầu vào lúc 19h ngày 19-3 tại khu du lịch quốc gia núi Sam, thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc.
Chương trình lễ hội bao gồm hai phần chính: Nghi thức đón bằng công nhận của UNESCO và khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Tiếp nối là chương trình nghệ thuật đặc biệt với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng cùng màn trình diễn pháo hoa tầm thấp. Trước thềm lễ hội, ban tổ chức cùng các đại biểu sẽ thực hiện nghi thức dâng hương tại lăng danh thần Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và một số địa điểm linh thiêng khác.
Việc tổ chức sự kiện lễ đón bằng UNESCO và khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam 2025 không chỉ nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản của An Giang mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong và ngoài nước về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của lễ hội. Đồng thời, sự kiện còn thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giới thiệu nét đặc sắc của vùng đất và con người An Giang đến với đông đảo du khách. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer tại khu vực.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Nam Bộ được công nhận, sau nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời là lễ hội truyền thống đầu tiên của vùng đất phương Nam được UNESCO ghi nhận.